Home/Blog/Chuyển nhà/Kiểm tra căn hộ chuyển đến: 13 điều quan trọng không thể bỏ qua

Kiểm tra căn hộ chuyển đến: 13 điều quan trọng không thể bỏ qua

13/08/2021 J HOUSE 0 Bình luận

Trong bài viết này, JHouse sẽ cho bạn biết được tầm quan trọng của việc kiểm tra căn hộ khi chuyển đến và ai là người được hưởng lợi từ chúng. Đặc biệt với 13 điều quan trọng không thể bỏ qua khi kiểm tra căn hộ chuyển đến và phải làm gì nếu bạn phát hiện ra điều gì đó không ổn trong quá trình kiểm tra căn hộ của mình?

Hãy xem việc thuê căn hộ của bạn giống như việc mua một chiếc xe ô tô cũ. Ai đó đã sử dụng chiếc xe đó trước bạn. Bạn cần kiểm tra và lái thử chiếc xe trước khi quyết định mua nó. Khi bạn thuê căn hộ cũng vậy, bạn cần kiểm tra căn hộ để đảm bảo rằng bạn đang nhận được những gì bạn mong đợi. Việc kiểm tra căn hộ khi chuyển đến là đặc biệt quan trọng, vì chủ nhà sẽ có trách nhiệm sửa chữa bất cứ thứ gì bị hỏng, trong tình trạng kém hoặc không hoạt động bình thường.

Việc kiểm tra căn hộ nên diễn ra trước khi bạn ký hợp đồng thuê. Điều này có thể giúp tránh hoặc giảm thiểu các tranh chấp với chủ nhà trong tương lai về tình trạng của căn hộ, cũng như cung cấp cho bạn một nơi ở an toàn và tiện nghi.

Move-in apartment inspection

Kiểm tra căn hộ chuyển đến: 13 điều quan trọng không thể bỏ qua

Tại sao danh sách kiểm tra căn hộ chuyển đến lại quan trọng?

Với tư cách là người thuê nhà, bạn muốn đảm bảo rằng mình sẽ nhận được:

  • Một căn hộ tốt, tiện nghi và thoải mái
  • Không có sự cố về tài sản, nội thất bên trong căn hộ
  • Nhận lại tiền đặt cọc khi chuyển đi

Điều này có nghĩa là bạn cần phải kiểm tra số lượng và ghi nhận lại tình trạng của tài sản khi chuyển đến ở – để không bị đổ lỗi cho bất kỳ hư hỏng và thiệt hại nào đã có từ trước. Người thuê càng bảo vệ mình lúc chuyển đến – thì lúc chuyển đi sẽ nhanh chóng và thuận lợi.

Cho dù bạn là người thuê nhà lần đầu hoặc thuê nhà lâu năm, bạn cũng không nên bỏ qua việc kiểm tra căn hộ lúc chuyển đến này. Đây là một công cụ hữu ích giúp bạn loại bỏ các rủi ro trong tương lai.

Hãy nhớ rằng “Kiểm tra = bảo vệ tiền đặt cọc và sự an tâm của bạn”

Ai là người được lợi khi kiểm tra căn hộ chuyển đến?

Cả chủ nhà và người thuê đều được hưởng lợi từ việc kiểm tra căn hộ khi chuyển đến.

Đối với chủ nhà: Kiểm tra căn hộ trước khi khách thuê chuyển đến ở giúp chủ nhà theo dõi tình trạng và số lượng tài sản trong căn hộ ngay từ đầu. Từ đó, có những báo cáo quản lý & vận hành riêng cho tòa nhà của mình. Thiết lập danh sách mua sắm hoặc sửa chữa các hư hỏng tài sản. Mục tiêu là mang đến một căn hộ tiện nghi và an tâm cho người thuê nhà.

Một danh sách kiểm tra căn hộ lúc chuyển đến có thể giúp người thuê chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra khi sử dụng căn hộ trong thời gian thuê. Việc ghi lại tình trạng tài sản & nội thất lúc chuyển vào có thể giúp giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp giữa chủ nhà và người thuê nhà liên quan đến việc trả lại tiền đặt cọc.

Đối với người thuê: Kiểm tra căn hộ trước khi chuyển vào giúp người thuê biết chính xác trong căn hộ có những tài sản và nội thất gì. Nó cũng có thể dùng làm căn cứ bằng văn bản trong trường hợp có tranh chấp pháp lý trong tương lai.

Một danh sách kiểm tra căn hộ lúc chuyển vào có thể là một công cụ mà người thuê sử dụng để kiểm kê những gì chủ nhà có thể cần sửa chữa hoặc cải thiện trước hoặc trong khi thuê nhà.

Ai nên có mặt trong quá trình kiểm tra căn hộ chuyển đến?

  • Chủ nhà/ người quản lý/ công ty quản lý
  • Người thuê/ Đại diện của người thuê
  • Môi giới/ công ty môi giới (nếu có)

Không cần phải bí mật về việc kiểm tra tài sản bên trong căn hộ. Cả chủ nhà và người thuê và công ty môi giới (nếu có) đều cần tham gia vào quá trình kiểm tra căn hộ trước khi người thuê chuyển vào ở.

Chủ nhà và người thuê cần kiểm tra số lượng và tình trạng của từng trang thiết bị và nội thất – càng chi tiết càng tốt.

Sau khi chủ nhà và người thuê nhà đã hoàn thành danh sách kiểm tra chuyển đến, danh sách này nên được cả hai bên ký. Cả hai bên nên giữ các bản sao của danh sách kiểm tra căn hộ khi chuyển đến để ngăn chặn những bất đồng khi kiểm tra căn hộ lúc chuyển ra và trả lại tiền đặt cọc.

Cần làm gì để quá trình kiểm tra căn hộ chuyển vào diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ?

Đối với chủ nhà

  • Kiểm tra căn hộ trước, sửa chữa, thay thế hoặc loại bỏ các thiết bị & nội thất đã hư hỏng.
  • Vệ sinh căn hộ sạch sẽ, đảm bảo căn hộ ở trạng thái hoạt động tốt.
  • Lên danh sách các tài sản và nội thất cần kiểm tra khi người thuê chuyển đến.
  • Chụp hình hoặc quay video căn hộ trước khi khách chuyển đến ở.

Đối với khách thuê

  • Lên danh sách các khu vực hoặc thiết bị & nội thất cần kiểm tra chi tiết khi chuyển đến ở.
  • Nhờ bạn bè hoặc người thân phụ giúp kiểm tra căn hộ.
  • Chụp hình hoặc quay video căn hộ để làm bằng chứng.

rental move-in inspection

Danh sách kiểm tra căn hộ chuyển đến bao gồm những gì?

Nếu người thuê và chủ nhà không biết bắt đầu từ đâu khi tạo danh sách kiểm tra căn hộ lúc chuyển đến, đừng lo lắng … JHouse sẽ giúp bạn. Dưới đây, là mọi thứ bạn nên kiểm tra trong danh sách kiểm tra căn hộ trước khi chuyển đến.

1. Chìa khóa và wifi

Chìa khóa và wifi đứng đầu danh mục kiểm tra tình trạng căn hộ của bạn. Bạn cần chắc chắn nó hoạt động tốt và có kế hoạch dự phòng.

  • Danh sách chìa khóa

Chìa khóa cửa chính ra vào tòa nhà, cửa chính ra vào căn hộ, chìa khóa cửa sổ, chìa khóa két sắt, chìa khóa các phòng trong căn hộ, … kiểm tra từng cái một, đảm bảo rằng chúng hoạt động.

  • ID và mật khẩu wifi

Hãy kết nối wifi các thiết bị di động, máy tính của bạn. Đảm bảo wifi hoạt động tốt. Kiểm tra tốc độ wifi bằng phần mềm Speedtest. Và hỏi chủ nhà về phương án wifi dự phòng nếu kết nối wifi của bạn có vấn đề.

2. Cửa ra vào tòa nhà

Tại Việt Nam, đối với các tòa nhà căn hộ dịch vụ. Bạn cần phải truy cập vào cửa chính ra vào tòa nhà trước, sau đó bạn mới truy cập vào cửa chính của căn hộ. Vì vậy, bạn cần kiểm tra chìa khóa hoặc mật khẩu và đảm bảo rằng bạn biết cách sử dụng chúng. Yêu cầu chủ nhà cung cấp phương án dự phòng nếu không thể mở cửa ra vào tòa nhà bằng chìa khóa hoặc mật khẩu.

3. Cửa ra vào căn hộ và cửa sổ

Mở và đóng cửa sổ và cửa ra vào để đảm bảo chúng hoạt động bình thường. Đảm bảo rằng tất cả các cửa sổ và cửa ra vào đều khóa hoàn toàn và an toàn khi bạn kéo chúng vào. Bạn cũng nên đảm bảo rằng chìa khóa có thể đóng mở cửa ra vào và cửa sổ.

4. Tường và trần nhà

  • Hãy quan sát kỹ các bức tường, sàn nhà và trần nhà trong quá trình kiểm tra căn hộ của bạn, để ý các vết nứt và vết bẩn, nấm mốc và các dấu hiệu hư hỏng do nước (thường có thể nhìn thấy bằng các vết bẩn hoặc vết phồng trong sơn).
  • Kiểm tra kỹ các khu vực như: lối vào cửa chính, góc tường, khu vực nhà bếp, khu vực ban công – cửa sổ, khu vực phòng tắm, … Đây là những khu vực thường bị nấm mốc, thấm và bị nứt.

5. Sàn nhà

Kiểm tra sàn nhà bằng cách lật hết thảm lên, dùng chân dẫm lên sàn xem chúng có đàn hồi không, nếu chúng đàn hồi là do chúng bị bong rộp. Ngoài ra bạn cũng có thể đặt mặt áp sát với sàn nhà để quan sát lồi lõm, nứt và hư hỏng của sàn nhà. Nếu là sàn gỗ bạn cần kiểm tra kỹ hơn và kiểm tra các khu vực như gần bếp, góc tường, lối ra vào cửa chính, gần cửa phòng tắm, … vì đây là những khu vực thường bị hư hỏng và bong rộp do nước.

6. Bàn giao căn hộ – Tổng thể sạch sẽ

Kiểm tra trực quan và lục tìm các khu vực trong căn hộ mà bạn nghĩ rằng chúng sẽ không được làm sạch hoặc bị bỏ quên. Kiểm tra tổng thể từ tường, sàn, đồ nội thất, góc tường, ban công, kệ bếp, nhà tắm, cửa sổ, … Hãy chắc chắn rằng bạn nhận một căn hộ sạch sẽ trước khi chuyển vào ở. Nếu chúng chưa được làm sạch, hãy yêu cầu chủ nhà làm sạch chúng vì đó là trách nhiệm của chủ nhà.

7. Hệ thống điều hòa không khí – máy lạnh

Dùng remote để bật tất cả máy lạnh trong căn hộ, điều khiển chế độ của từng máy lạnh và quan sát. Đảm bảo mỗi máy lạnh có remote riêng, hoạt động tốt và không bị rò rỉ nước. Bạn cũng có thể mở nắp của máy lạnh ra để kiểm tra mức độ bẩn của máy lạnh, nếu chưa được vệ sinh – bạn có thể yêu cầu chủ nhà vệ sinh chúng (phần chi phí này chủ nhà sẽ chi trả).

8. Kiểm tra căn hộ cho thuê – Hệ thống đèn chiếu sáng

Bật tất cả đèn trong tất cả các phòng để đảm bảo mọi thứ hoạt động. Tìm các bóng đèn bị cháy hoặc không hoạt động tốt kể cả đèn trần nhà, đèn trang trí, đèn âm tường và đèn làm việc. Yêu cầu chủ nhà thay thế bất kỳ bóng đèn nào bị cháy hoặc hoạt động không tốt trước khi bạn chuyển đến. Đó là công việc để bảo trì định kỳ của chủ nhà.

9. Tivi và thiết bị âm thanh

Đa phần các căn hộ sẽ sử dụng smart tivi. Và đặc biệt tại Việt Nam, hầu hết tivi sẽ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Vì vậy, bạn cần yêu cầu chủ nhà cài đặt lại ngôn ngữ (nếu bạn là người nước ngoài). Tivi phải được thiết lập wifi hoặc internet sẵn sàng. Tivi được cài đặt sẵn các chương trình như: Youtube, Netflix, … Ngoài ra, bạn cần bấm chuyển kênh hoặc tăng giảm âm lượng để xem chúng có hoạt động tốt không.

Kiểm tra căn hộ chuyển đến – Phòng ngủ

10. Kiểm tra căn hộ chuyển đến – Phòng ngủ

  • Giường ngủ và nệm

Bạn thoải mái kiểm tra và có thể nằm lên giường để kiểm tra độ an toàn của chúng. Hãy kiểm tra mọi bộ phận của giường xem có bị hư hại, vết nứt, bu lông lỏng lẻo và bằng chứng về rệp hay không. Kiểm tra xem nệm và chăm có vết bẩn hoặc bị rách hay không.

  • Rèm cửa

Đảm bảo rèm cửa được kéo ra và đóng lại một cách dễ dàng. Rèm cửa không bị ẩm mốc hoặc bụi bẩn và không bị rách.

  • Tủ quần áo

Mở cửa tủ quần áo để kiểm tra bên trong, kiểm tra mùi và ẩm mốc. Các cửa tủ nên đóng mở một cách dễ dàng.

  • Các thiết bị khác

Những thứ như: cửa sổ, đèn, trần nhà, tường nhà, thảm, bàn trang điểm, máy lạnh, tranh treo tường, đồng hồ, bàn làm việc, … Kiểm tra tất cả chúng, đảm bảo chúng hoạt động tốt, không có tiếng động lạ và không có mùi.

 Kiểm tra căn hộ chuyển vào – Phòng tắm

11. Kiểm tra căn hộ chuyển vào – Phòng tắm

  • Bồn cầu

Xả nước bồn cầu để đảm bảo chúng thoát nước và lấp đầy nhanh chóng. Kiểm tra lại sau một vài phút và lắng nghe xem có bất kỳ âm thanh lạ nào không. Đảm bảo bồn cầu hoạt động tốt.

  • Vòi hoa sen, bồn tắm và vòi nước

Kiểm tra nước nóng và lạnh, để biết chúng đang hoạt động bình thường. Bật tất cả các vòi nước để kiểm tra xem áp lực nước có đáp ứng nhu cầu cá nhân của bạn và không có hiện tượng nhỏ giọt quá mức sau khi bạn tắt nó đi. Đảm bảo rằng nước trong và sạch và thoát nước đúng cách. Kiểm tra các đường ống cấp và thoát nước xem có bị rò rỉ nước không.

  • Thoát nước

Lưu ý tình trạng thoát nước ở ống thoát nước. Đảm bảo nước không bị đọng và nước được thoát nhanh chóng, không bị tắc.

  • Tủ

Mở tất cả các cửa tủ trong phòng tắm xem có dấu hiệu rò rỉ nước hoặc nấm mốc không. Đảm bảo cửa tủ được đóng mở dễ dàng.

Kiểm tra căn hộ - Nhà bếp

12. Kiểm tra căn hộ – Nhà bếp

  • Bếp

Bật bếp để kiểm tra tình trạng hoạt động của chúng. Trên bếp điện, bật mọi đầu đốt để đảm bảo tất cả chúng đều hoạt động và các bộ phận làm nóng đều nóng. Bạn có thể kiểm tra điều này bằng cách nhỏ một giọt nước từ tay vào mỗi đầu đốt. Đảm bảo bếp hoạt động tốt và bạn biết cách sử dụng chúng. Nếu bạn chưa biết cách sử dụng bếp, hãy yêu cầu chủ nhà cung cấp hướng dẫn sử dụng.

Đối với bếp gas, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng mỗi đầu đốt sẽ sáng mà không cần quá nhiều sức hoặc xả nhiều gas. Đảm bảo rằng tất cả các đầu đốt sẽ tắt và lạnh khi bạn tắt chúng, và không ngửi thấy mùi gas.

  • Tủ lạnh

Đưa tay vào tủ lạnh để kiểm tra độ lạnh của tủ lạnh. Mở tủ lạnh và kiểm tra: độ sạch, các khay đựng trong tủ lạnh, ngăn đông, đèn, mùi, vết bẩn và thức ăn thừa. Đảm bảo tủ lạnh được làm sạch và không có bất kỳ đồ ăn nào từ người thuê trước.

  • Các thiết bị điện khác

Các thiết bị điện khác như: lò vi sóng, lò nướng, máy rửa chén, bình đun nước, nồi cơm điện, máy pha coffee, máy hút mùi, … Hãy cắm điện và kiểm tra tình trạng hoạt động của chúng. Đảm bảo rằng các thiết bị điện hoạt động tốt, không mùi lạ, không bị rò rỉ, không tiếng kêu bất thường.

  • Bồn rửa

Bật nước và kiểm tra áp suất. Kiểm tra vòi nước để đảm bảo nó hoạt động và nhìn dưới bồn rửa để xem có nước rò rỉ ra ngoài đường ống không.

  • Ngăn kéo và tủ

Các ngăn kéo và tủ phải sạch sẽ, đóng mở dễ dàng không bị hỏng hoặc có tiếng kêu. Đây là nơi bạn thực sự muốn để ý đến phân hoặc bọ của loài gặm nhấm, vì chúng có xu hướng đi đến nơi có thức ăn.

Cách kiểm tra căn hộ - Khu vực giặt là

13. Cách kiểm tra căn hộ – Khu vực giặt là

Nếu căn hộ của bạn có trang bị khu vực giặt là với máy giặt và máy sấy và giàn phơi đồ. Hãy chắc chắn rằng bạn biết cách sử dụng chúng. Bật công tắc điện để xem máy giặt và sấy có hoạt động không. Kiểm tra đường ống cấp nước và thoát nước xem đã được gắn vào chưa và có đúng vị trí không. Kiểm tra các vết trầy xước, rò rỉ, nấm mốc và mùi xem có gì bất thường không.

Xem thêm: Danh sách kiểm tra căn hộ: Làm cho ngày chuyển nhà trở nên nhẹ nhàng

Phải làm gì nếu bạn phát hiện ra điều gì đó không ổn trong quá trình kiểm tra căn hộ của mình?

  • Ghi lại tất cả tình trạng hư hỏng khi phát hiện ra chúng bằng văn bản.
  • Chụp hình các hư hỏng.
  • Yêu cầu chủ nhà sửa chữa hư hỏng hoặc thay thế.

Hãy kiểm tra kỹ lưỡng hết mức có thể với tất cả mọi thiết bị và ngóc ngách của căn hộ. Sau khi hoàn thành kiểm tra căn hộ trước khi chuyển vào – hãy tổng hợp những hư hỏng cần phải sửa chữa hoặc cần phải thay thế để chủ nhà có thể nắm bắt được và tiến hành các hành động khắc phục.

Việc kiểm tra căn hộ trước khi chuyển đến không cần phải gấp gáp, vì đó là thời gian của bạn – người thuê nhà. Thời gian kiểm tra căn hộ là thời gian để bảo vệ mình – tiền đặt cọc và cả những rủi ro tiềm ẩn phát sinh trong quá trình sinh sống. Bạn càng kỹ lưỡng, càng chi tiết bạn càng có lợi.

Và cuối cùng, cả chủ nhà và người thuê ký tên vào danh sách kiểm tra căn hộ. Đảm bảo rằng các bên đều hiểu vấn đề, biết việc mình cần phải làm và thời gian cần để hoàn thành chúng. Mỗi bên nên giữ một bản danh sách kiểm tra căn hộ để làm căn cứ và tài liệu.

Download ngay Danh sách kiểm tra tình trạng căn hộ lúc chuyển vào (Form mẫu)

Một thực tế cho thấy rằng, không có bất kỳ căn hộ nào là hoàn hảo về mọi mặt – ngay cả khi căn hộ là mới hoàn toàn hoặc được chủ nhà vận hành một cách cẩn thận. Cách tốt nhất để biết căn hộ không hoàn hảo ở điểm nào, hãy lập danh sách kiểm tra căn hộ lúc chuyển vào. Và kiểm tra chúng một cách thận trọng. Bắt đầu một cuộc sống thoải mái, an tâm và loại bỏ các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.

 


JHouse Content Team
Đội ngũ phát triển nội dung chuyên sâu về dịch vụ nhà ở cho người Nước ngoài và Việt Nam. Nội dung đơn giản, dễ hiểu, được sắp xếp logic mang đến bạn đọc những chủ đề và thông tin hữu ích từ kinh nghiệm thực tế. JHouse hoan nghênh chia sẽ và sao chép từ các bạn – Vui lòng đính kèm nguồn và trích dẫn từ JHouse.

Chia sẻ:
Bình luận

Your compare list

So Sánh
Xóa hết
0