Home/Blog/Chủ nhà và Agent/Phí môi giới cho thuê BĐS là gì? Và những điều cần lưu ý

Phí môi giới cho thuê BĐS là gì? Và những điều cần lưu ý

06/07/2021 J HOUSE 0 Bình luận

Đây là một bài viết mà JHouse đành tặng riêng cho anh chị môi giới và anh chị chủ nhà đang làm mảng cho thuê bất động sản. Chủ để phí môi giới luôn là một chủ đề nhạy cảm cần được hiểu đúng và làm rõ trước khi tiến hành các giao dịch cho thuê bất động sản. Vậy,

  • Hiểu thế nào cho đúng về phí môi giới cho thuê?
  • Cách tính và thanh toán phí môi giới trên thị trường như thế nào?
  • Ai là người quyết định phí môi giới?
  • Phí môi giới có phải chi phí marketing & bán hàng không?
  • .v.v. và còn nhiều câu hỏi hơn nữa mà anh chị đang muốn tìm hiểu về phí môi giới để hiểu rõ bản chất và áp dụng cho hài hòa giữa các bên.

Dưới đây là bài viết tổng hợp của JHouse về phí môi giới và cách mà nó hoạt động tại Hồ Chí Minh, Việt Nam. Bài viết sẽ trở nên thiếu sót nếu thiếu đi sự góp ý từ anh chị đồng nghiệp, những người làm trong nghề đủ lâu, am hiểu sâu sắc và trải nghiệm thực tế dồi dào. Hãy giúp JHouse hoàn thiện nền tảng kiến thức và lan tỏa đến với cộng đồng. Hãy cùng bắt đầu nào.

Phí môi giới cho thuê BĐS là gì? Và những điều cần lưu ý

Phí môi giới cho thuê BĐS

1. Phí môi giới cho thuê BĐS là gì?

Phí môi giới cho thuê BĐS là một khoản tiền được thống nhất từ trước, mà bên cho thuê (hoặc bên thuê) phải thanh toán cho đơn vị môi giới sau khi hoàn thành phần công việc của mình.

2. Phí môi giới bao gồm những loại phí nào?

Phí môi giới sẽ bao gồm 2 phần: Thù lao môi giới và Hoa hồng môi giới.

  • Thù lao môi giới: Là số tiền mà bên cho thuê (hoặc bên thuê) phải thanh toán cho đơn vị môi giới khi ký gửi cho thuê bất động sản (hoặc yêu cầu tìm kiếm bất động sản). Số tiền này không được hoàn trả lại và không phụ thuộc vào kết quả của giao dịch.
  • Hoa hồng môi giới: Là số tiền mà bên cho thuê (hoặc bên thuê) phải thanh toán cho đơn vị môi giới khi khách hàng ký hợp đồng và hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán.

Tại thị trường Hồ Chí Minh và Việt Nam thì đa phần các đơn vị môi giới sẽ nhận “Hoa Hồng môi giới” và sẽ ngầm hiểu phí môi giới là hoa hồng môi giới.

3. Tại Việt Nam, có luật nào quy định tiền phí môi giới không?

Luật kinh doanh bất động sản số: 66/2014/QH13, không quy định số tiền thù lao và hoa hồng cụ thể. Bạn có thể tham khảo Mục 2, điều IV, Kinh doanh dịch vụ bất động sản. Không có quy định về những con số cụ thể. Phí môi giới là một điều khoản mở và được thống nhất giữa bên cho thuê (hoặc bên thuê) với đơn vị môi giới.

Tiền phí môi giới sẽ được điều phối bởi thông lệ chung của thị trường địa phương.

4. Ai quyết định Phí môi giới cho thuê BĐS?

Phí môi giới được quyết định bởi người trả tiền hoặc cộng đồng bất động sản nào đó mà những người tham gia vào cộng đồng phải tuân thủ quy tắc tính phí môi giới.

Tuy nhiên, hầu hết thì phí môi giới được chi phối bởi thông lệ thị trường địa phương. Nó không phải Luật từ chính phủ, nhưng được bên cho thuê, bên thuê và đơn vị môi giới tôn trọng và áp dụng như là một quy tắc phổ biến để tính phí môi giới.

Trong một vài trường hợp, phí môi giới được quyết định bởi đơn vị môi giới. Thường là những đơn vị môi giới đã có uy tín và mức độ phổ biến rộng tại thị trường. Họ được xem như là người đi đầu cả về số lượng giao dịch, số lượng khách hàng, sản phẩm, cách làm việc, số lượng nhân viên, …Các đơn vị này lấy uy tín, tầm ảnh hưởng và hiệu quả giao dịch để làm nền tảng quyết định phí môi giới khi làm việc với bên cho thuê (hoặc bên thuê).

5. Ai là người thanh toán phí môi giới?

Người thanh toán phí môi giới là bên được chỉ định thanh toán phí môi giới trong thỏa thuận môi giới. Có thể là bên cho thuê hoặc bên thuê. Có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp. Người thanh toán phí môi giới cần được thống nhất trước khi hoàn thành giao dịch.

Tại Việt Nam, thì đa phần người cho thuê sẽ là người thanh toán phí môi giới. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người thuê cần thuê những bất động sản lớn hoặc khó tìm thấy trên thị trường thì người thuê sẽ gửi yêu cầu thuê cho đơn vị môi giới và cam kết thanh toán một khoản phí môi giới nào đó khi thuê được bất động sản.

6. Khi nào đơn vị môi giới được thanh toán phí môi giới?

  • Đối với thù lao môi giới thì đơn vị môi giới sẽ nhận được ngay khi bắt đầu các giao dịch. Tức là khi bên cho thuê ký gửi bất động sản cần cho thuê hoặc bên thuê gửi yêu cầu thuê bất động sản.
  • Đối với hoa hồng môi giới thì đơn vị môi giới sẽ được nhận khi bên thuê ký hợp đồng thuê và hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến hợp đồng thuê. Việc thanh toán toàn phần hoặc từng phần hoặc theo tiến độ, … tùy thuộc vào thỏa thuận của đơn vị môi giới và bên được chỉ định thanh toán phí môi giới.

contract jhouse

7. Các loại hợp đồng môi giới cho thuê bất động sản

Thỏa thuận môi giới, hợp đồng môi giới là những bằng chứng hữu ích để xác lập sự hợp tác của bên cho thuê và đơn vị môi giới. Các bên thống nhất và tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng. Là một căn cứ để giải quyết khi có các tranh chấp xảy ra. Dưới đây là các loại hợp đồng môi giới cho thuê bất động sản thường gặp:

  • Thỏa thuận môi giới bằng miệng: Đây là một hình thức khá phổ biến và nó được xác nhận thỏa thuận môi giới bằng cách trao đổi và thống nhất bằng miệng. Không có văn bản nào xác thực. Hình thức này phù hợp với các loại bất động sản cho thuê có giá trị thấp hoặc bên cho thuê và bên thuê có đủ uy tín và đã làm việc với nhau nhiều lần. Đây là hình thức hợp đồng khá rủi ro nhưng linh hoạt và tiết kiệm thời gian, các khoản thuế, phí liên quan.
  • Thỏa thuận môi giới/ hợp đồng môi giới: Đây là hình thức mà bên cho thuê và đơn vị môi giới xác nhận với nhau bằng văn bản với các điều khoản cụ thể. Cần tiến hành thanh lý thỏa thuận môi giới/ hợp đồng môi giới khi hoàn thành. Đây là hình thức được khuyến khích thực hiện để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên khi hợp tác.

8. Các loại thuế & phí được áp dụng cho phí môi giới

  • Đối với giao dịch mà bên cho thuê là cá nhân và đơn vị môi giới là cá nhân thì: Phí môi giới là 100%, không phải chi trả cho các loại thuế hay phí nào.
  • Đối với giao dịch mà bên cho thuê là cá nhân và đơn vị môi giới là doanh nghiệp thì: Phí môi giới là 100%, không phải chi trả cho các loại thuế hay phí nào.
  • Đối với giao dịch mà bên cho thuê là doanh nghiệp và đơn vị môi giới là cá nhân thì: Phí môi giới là 90%. Phí môi giới là một loại chi phí cần được hoạch toán vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, người môi giới cá nhân cần phải trả lại thuế VAT 10% cho bên cho thuê. Dễ hiểu hơn thì phí môi giới mà người môi giới nhận được, được tính trên giá thuê NET (giá thuê đã trừ đi thuế VAT 10%). Lưu ý: Giá thuê cần bao gồm thuế VAT 10% và bên cho thuê phải xuất hóa đơn VAT cho người thuê.
  • Đối với giao dịch mà bên cho thuê là doanh nghiệp và đơn vị môi giới là doanh nghiệp thì: Phí môi giới là 100%. Tuy nhiên, đơn vị môi giới cần xuất hóa đơn VAT cho bên cho thuê. Lưu ý: Giá thuê cần bao gồm thuế VAT 10% và bên cho thuê phải xuất hóa đơn VAT cho người thuê.

Các loại thuế & phí khác như: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, … sẽ được hoạch toán và tính sau theo loại hình kế toán mà doanh nghiệp đang áp dụng hoặc theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Để chính xác hơn, bạn cần được tư vấn từ luật sư hoặc bộ phận kế toán.

jhouse fee

9. Phí môi giới cho thuê bất động sản là bao nhiêu?

Đây là biểu phí môi giới cho thuê bất động sản theo thông lệ thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn có thể tham khảo và đưa ra số tiền phí môi giới phù hợp với loại hình bất động sản của mình.

Loại hình 6 tháng 12 tháng 24  háng 36 tháng 60 tháng >60 tháng
Căn hộ dịch vụ/ căn hộ chung cư 50% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 150% tiền thuê của 1 tháng
Nhà phố để ở 50% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng
Nhà phố để kinh doanh 50% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng
Biệt thự 50% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng
Văn phòng 50% tiền thuê của 1 tháng 50% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng 100% tiền thuê của 1 tháng

Người cho thuê có thể trả phí môi giới cao hơn để tạo động lực cho đơn vị môi giới đẩy nhanh việc tìm kiếm khách hàng. Có thể tăng thêm từ 5% đến 50%.

Ngoài phí môi giới, đơn vị môi giới có thể nhận thêm các khoản “TIỀN THƯỞNG” từ người cho thuê. Ví dụ: Thưởng thêm 5 triệu hoặc 20 triệu nếu trong tháng ký được 3 hợp đồng thuê. Hoặc, thưởng thêm 50 triệu nếu cho thuê căn nhà trước ngày được ấn định nào đó.

10. Cách tính phí môi giới trong giá thuê

Phí môi giới là một loại chi phí và nó cần được tính trong giá thuê. Vậy nó được tính như thế nào? Thông thường, cách tính phí môi giới trong giá thuê được áp dụng theo thời gian thuê.

Ví dụ đối với cho thuê căn hộ: Chi phí đơn vị sau khi tính toán là 18 triệu (giá thành). Bạn trả phí môi giới là 1 tháng tiền thuê cho hợp đồng 12 tháng. Vậy, giá thuê mà bạn cần niêm yết (giá bán) là: >= 19.5 triệu/tháng. Hãy theo dõi bảng tính bên dưới:

Diễn giải Cách tính Thành tiền (VND)
Giá thành (giá cho thuê chưa bao gồm phí môi giới) 18,000,000
Phí môi giới của 1 tháng (phí môi giới là 1 tháng tiền thuê cho hợp đồng thuê 12 tháng) 18,000,000/12 tháng 1,500,000
Giá niêm yết (giá bán) Giá thành + phí môi giới 19,500,000

Ví dụ đối với cho thuê nhà phố/ biệt thự: Chi phí đơn vị sau khi tính toán là 50 triệu (giá thành). Bạn trả phí môi giới là 1 tháng tiền thuê cho hợp đồng 03 năm. Vậy, giá thuê mà bạn cần niêm yết (giá bán) là: >= 51.4 triệu/tháng. Hãy theo dõi bảng tính bên dưới:

Diễn giải Cách tính Thành tiền (VND)
Giá thành (giá cho thuê chưa bao gồm phí môi giới) 50,000,000
Phí môi giới của 1 tháng (phí môi giới là 1 tháng tiền thuê cho hợp đồng thuê 03 năm) 50,000,000/(12 thángx3) 1,400,000
Giá niêm yết (giá bán) Giá thành + phí môi giới 51,400,000

Để có được giá thuê cuối cùng bạn cần phải tính thêm các yếu tố khác như: Chi phí lãi vay (nếu bạn đi vay để làm bất động sản cho thuê), chi phí cơ hội, chi phí rủi ro, lợi nhuận kỳ vọng, …

11. Cách tính phí môi giới để thanh toán cho đơn vị môi giới phổ biến hiện nay

Theo thông lệ thị trường chung tại Hồ Chí Minh thì có các cách tính phí môi giới để bên cho thuê thanh toán phí môi giới cho đơn vị môi giới như sau:

  • Dựa vào giá NET: Là giá thuê chưa bao gồm thuế VAT 10%. Cách này thường được áp dụng đối với bên cho thuê là doanh nghiệp và đơn vị môi giới là cá nhân.
  • Dựa vào giá sau dịch vụ: Là giá thuê được tính sau khi trừ đi chi phí của các dịch vụ mà bên cho thuê cung cấp cho khách thuê. Đối với căn hộ dịch vụ/ chung cư: Bên cho thuê sẽ dựa vào giá sau khi trừ đi chi phí dịch vụ như: Dọn phòng, thay ga trải giường, phí quản lý, internet, …để tính phí môi giới. Hiện tại hình thức tính phí môi giới này rất ít được áp dụng.
  • Một số tiền cụ thể: Là số tiền được ấn định từ trước mà bên cho thuê sẽ thanh toán cho đơn vị môi giới khi có hợp đồng thuê. Không phụ thuộc vào giá cho thuê.

12. Phí môi giới có phải là chi phí marketing & bán hàng không?

Hiểu theo một khía cạnh nào đó thì phí môi giới là chi phí marketing & bán hàng.

Ví dụ đối với người cho thuê:

  • Bạn là người cho thuê một căn hộ, giá thuê là 20 triệu đồng/tháng. Phí môi giới mà bạn cần chi trả là 20 triệu, hợp đồng thuê là 12 tháng.
  • Bạn không thuê đơn vị môi giới, bạn tự làm hoặc thuê nhân viên về làm cho bạn. Tự tìm khách, tự đăng tin, in tờ rơi, đưa khách đi xem căn hộ, đàm phán, tự làm hợp đồng, check-in, xử lý các giấy tờ pháp lý, … cho đến khi bạn tìm được khách thuê. Bạn chi tiêu hết 20 triệu (có thể thấp hoặc cao hơn). Đây chính là số tiền mà bạn đã bỏ ra để marketing & bán hàng.

Ví dụ đối với đơn vị môi giới:

  • Bạn là chủ một công ty và công ty của bạn nhận ký gửi một căn hộ với giá thuê là 20 triệu/tháng từ người cho thuê. Và phí môi giới mà công ty của bạn sẽ nhận được là 20 triệu nếu có hợp đồng thuê thành công.
  • Công ty bạn triển khai các hoạt động marketing & bán hàng như: Chạy quảng cáo facebook, google ads, đăng tin trên các website, phát tờ rơi, … để tìm khách thuê. Và bạn tiêu tốn hết 10 triệu để kiếm được khách hàng thuê. Vậy chi phí cho hoạt động marketing & bán hàng của bạn tiêu tốn 10 triệu, 10 triệu còn lại là phần lợi nhuận của công ty bạn. Nếu bạn không may mắn, bạn chi tiêu hết 20 triệu để tìm được khách thuê, lúc này lợi nhuận của công ty bạn bằng không.

13. Tiền đặt cọc của khách thuê có phải là tiền phí môi giới không?

Tiền đặt cọc là số tiền mà bên thuê phải thanh toán cho bên cho thuê. Tiền đặt cọc không phải là tiền phí môi giới.

Thực tế cho thấy, bên cho thuê nhận tiền đặt cọc của bên thuê, sau đó lấy số tiền đó để gửi tiền phí môi giới cho đơn vị môi giới và nghĩ rằng đơn vị môi giới đang giữ tiền đặt cọc của bên thuê. Đây là sự hiểu lầm đáng tai hại của người cho thuê. Tiền đặt cọc và tiền phí môi giới hoàn toàn khác nhau về mục đích, người thanh toán và người nhận tiền. Từ sự hiểu lầm này dẫn đến những hành động chưa đúng giữ bên cho thuê và đơn vị môi giới, củng như bên thuê.

Đây là một ví dụ thường gặp: Bên cho thuê nhận tiền đặt cọc của khách thuê là 02 tháng tiền thuê, hợp đồng thuê căn hộ là 01 năm. Bên cho thuê thanh toán phí môi giới cho đơn vị môi giới là 01 tháng tiền thuê. Khách thuê ở được 07 tháng, vì lý do abc gì đó, khách kết thúc hợp đồng sớm, khách muốn lấy lại tiền đặt cọc. Bên cho thuê nói với khách thuê rằng, tôi đã gửi tiền đặt cọc của bạn cho đơn vị môi giới rồi nên không thể hoàn trả tiền đặt cọc. Đây là sự hiểu lầm tai hại, tiền đặt cọc của khách thuê do khách thuê thanh toán cho bên cho thuê và bên cho thuê là người giữ số tiền đó, sau khi kết thúc hợp đồng thì bên cho thuê có trách nhiệm hoàn trả lại tiền đặt cọc cho khách thuê. Đơn vị môi giới không giữ tiền đặt cọc của khách thuê củng như bên cho thuê.

JHouse hy vọng rằng những thông tin hữu ích về phí môi giới và những điều cần biết bên trên sẽ giúp anh chị hiểu sâu sắc hơn về nó và đưa ra những quyết định phù hợp trong quá trình hợp tác. Nếu anh chị còn nhiều câu hỏi hoặc thắc mắc, các nhân viên của JHouse luôn sẵn sàng để tư vấn và hỗ trợ anh chị.

 


JHouse Content Team
Đội ngũ phát triển nội dung chuyên sâu về dịch vụ nhà ở cho người Nước ngoài và Việt Nam. Nội dung đơn giản, dễ hiểu, được sắp xếp logic mang đến bạn đọc những chủ đề và thông tin hữu ích từ kinh nghiệm thực tế. JHouse hoan nghênh chia sẽ và sao chép từ các bạn – Vui lòng đính kèm nguồn và trích dẫn từ JHouse.

Chia sẻ:
Bình luận

Your compare list

So Sánh
Xóa hết
0